Các tác phẩm chính Friedrich_Engels

Trong suốc cuộc đời của mình, Engels đã viết nhiều tác phẩm kinh điển. Trong hoàn cảnh lịch sử mới hiện nay, những tác phẩm của Engels không hề mất đi tính thời sự. Người đọc vẫn tìm thấy chân giá trị vĩnh hằng trong những tư tưởng của ông đối với khoa học hiện đại ở nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống: về bản chất con người, về quan hệ giữa người và người, giữa con người và thiên nhiên, về tự do của con người, về ý nghĩa của cuộc sống[22] Những tác phẩm của ông có thể kể đến là:

Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị (1843)

Một năm sau khi đến nước Anh, tức là khoảng cuối năm 1843, Engels đã viết cuốn tác phẩm này, trong đó ông phê phán kinh tế chính trị học tư sản rằng: "kinh tế chính trị học cũng không nghĩ đến việc đặt vấn đề về tính chất chính đáng của chế độ tư hữu" và nhấn mạnh "chỉ có chứng giải và thực hiện chế độ tự do thương mại thì mới làm cho chúng ta có thể vượt ra khỏi những giới hạn của khoa kinh tế chính trị của chế độ tư hữu".

Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị thể hiện những kinh nghiệm đầu tiên khi Engels tiếp nhận và vận dụng phép biện chứng để nghiên cứu kinh tế chính trị học. Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, các phạm trù mặt đối lập và mâu thuẫn được Engels sử dụng để phân tích các phạm trù kinh tế. Đối lập với các nhà kinh tế học tư sản xem xét các phạm trù kinh tế như những gì vĩnh viễn, ông coi các phạm trù đó là những phạm trù lịch sử được chế định bởi sở hữu tư nhân và như vậy, sự xuất hiện của chúng mang tính lịch sử nhất thời.

Tác phẩm này thể hiện khá rõ những ảnh hưởng của Fuerbach đối với Engels. Tuy nhiên, về phương diện triết học, ông đã đi xa hơn Feuerbach. Chẳng hạn, khi xem xét tính tất yếu của cách mạng xã hội, Engels đã không coi nguyên nhân của cách mạng xã hội bắt nguồn từ những cơ sở đạo đức như Feuerbach quan niệm, mà từ sự phát triển của các mâu thuẫn khách quan do sở hữu tư nhân tạo nên. Như vậy, về phương diện này, quan điểm của Engels đã khác hẳn so với quan điểm của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng cũng như các nhà duy vật tiền bối. Để làm rõ cơ sở duy vật trong Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, cần phải xem xét nội dung của tác phẩm trong bối cảnh bao quát hơn, phải chú ý đến tổng thể các công trình của Engels trong thời kỳ ông sống ở Manchester, từ đó mới có thể thấy được mối liên hệ nhân quả giữa các sự kiện kinh tế, sự đối lập giai cấp, đấu tranh chính trị.

Trước Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, trong các bài báo đầu tiên của Engels ở Anh, mới chỉ thấy những dự đoán của ông về vai trò của lợi ích kinh tế trong đời sống xã hội. Đến Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, Engels đã nhận thấy giai cấp vô sản và giai cấp tư sản như những giai cấp xã hội xét về phương diện kinh tế. Thật ra, điều này đã được các nhà kinh tế chính trị cổ điển Anh chỉ rõ và Engels lấy đó làm điểm xuất phát cho nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, khác với các nhà kinh tế chính trị cổ điển Anh, Engels cho rằng, sở hữu tư nhân chính là cơ sở lịch sử của sự tồn tại giai cấp trong xã hội tư sản.

Gia đình Thần thánh (1844)

Bìa cuốn gia đình thần thánh

"Gia đình thần thánh" là tác phẩm lý luận viết chung đầu tiên của Engels và Marx, đây là tác phẩm có vị trí quan trọng trong toàn bộ quá trình hình thành các quan điểm triết học và chính trị xã hội của học thuyết Marx.

Tên đầy đủ của tác phẩm này là "Gia đình thần thánh hay phê phán sự phê phán có tính phê phán. Chống Bruno Bauer và đồng bọn" được viết vào năm 1884. "Gia đình thần thánh" là tên gọi hài hước đặt cho anh em Bauer và bọn theo đuôi họ tụ tập quanh tờ "Allgemeine Literatur - Zeitung" ("Báo văn học phổ thông"). Trong cuốn sách này, Marx và Engels đã bác bỏ anh em Bauer và những người khác thuộc phái Hegel trẻ (hoặc phái Hegel tả) đồng thời cũng phê phán cả triết học duy tâm của chính Hegel. Tác phẩm này được viết vào khoảng tháng Chín đến tháng 11 năm 1844 và xuất bản vào tháng 2 năm 1845 ở Frankfurt trên sông Main. Tác phẩm này gồm tất cả chín chương, trong đó có gi chú rõ ràng những chương, mục do hai người viết.[23]

Trong tác phẩm này, hai ông đã đề ra những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, như vai trò quyết định của sản xuất vật chất đối với tiến trình phát triển của xã hội loài người, vai trò sáng tạo ra lịch sử của quần chúng nhân dân lao động. Cũng trong tác phẩm này, Enggel đã cùng với Marx một lần nữa khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản và chỉ ra rằng, chính địa vị của giai cấp vô sản trong xã hội tư sản hiện đại đã quy định vai trò, sứ mệnh đó. Cũng trong tác phẩm này, hai ông đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm và phương pháp của nó, nêu luận điểm về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.

Tình cảnh của giai cấp công nhân Anh năm 1844 (1844)

Đây là bài báo của Engels gửi cho Nhật báo sông Rhine từ nước Anh. Đây được xem là tư tưởng về vai trò xác định của cách mạng công nghiệp trong lịch sử nước Anh. Trong bài báo đó, ông khẳng định: "Tác dụng cách mạng hoá ấy của nền công nghiệp Anh là cơ sở của tất cả mọi quan hệ ở nước Anh ngày nay, là động lực của toàn bộ sự phát triển xã hội. Hậu quả đầu tiên của nó là việc đề cao lợi ích... lên thành sự thống trị đối với con người... Nói một cách khác, ở hữu, vật đã trở thành kẻ thống trị thế giới. Kết quả quan trọng nhất của thế kỷ XVIII đối với nước Anh là sự hình thành giai cấp vô sản do có cuộc cách mạng công nghiệp... Kết quả của toàn bộ sự phát triển là giờ đây, nước Anh chia thành ba phái: phái quý tộc ruộng đất, phái quý tộc kim tiền và phái dân chủ công nhân".

Cũng thông qua tác phẩm này, Engels đã phân tích các quan hệ xã hội, quan hệ giai cấp trong xã hội lúc đó và chỉ ra mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản là mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Trên cơ sở phân tích này, Ph. Ăng-ghen lần đầu tiên đã đưa ra tư tưởng về tính tất yếu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; tính quốc tế của cuộc cách mạng này.

Tình cảnh nước Anh

Dự định của Engels quay trở lại phân tích tình cảnh nước Anh đã phải thực hiện theo hình thức khác một chút so với mong muốn, vì tờ Niên giám Pháp - Đức bị ngừng xuất bản do bị kiểm duyệt. Từ cuối tháng 8 đến tháng 10 năm 1844, trên các trang tiếng Đức của tờ báo Tiên lên xuất bản ở Phổ đã có sự tham gia của Marx vào Ban biên tập. Do vậy, Engels có điều kiện đăng tiếp tục hai bài báo có nhan đề Tình cảnh nước Anh thế kỷ 18 và Tình cảnh nước Anh.

Trong tác phẩm Tình cảnh nước Anh, Engels đã thể hiện thái độ phê phán quan điểm của Hegel về lịch sử và khẳng định: "Lịch sử được chúng ta đánh giá cao hơn là bất kỳ một học thuyết triết học nào khác trước đây, thậm chí còn cao hơn cả Hegel, mà lịch sử chung quy chỉ được ông ta dùng để kiểm nghiệm cái kết cấu logic của ông ta thôi".

Theo ông, "tình cảnh nước Anh có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử và đối với tất cả các nước khác, bởi vì về mặt xã hội, rõ ràng là nước Anh đã vượt xa tất cả những nước khác". Đây là kết luận vô cùng quan trọng mà Engels đã rút ra từ sự phân tích lịch sử xã hội Anh. ở đây, ông phát hiện ra rằng, thực trạng xã hội Anh dưới chế độ tư bản chủ nghĩa biểu hiện không chỉ đặc điểm xã hội của bản thân nước Anh tư bản chủ nghĩa mà trong chừng mực nào đó, còn có ý nghĩa to lớn, toàn diện cho các quốc gia khác.

Đó cũng chính là điều mà Marx đã kết luận trong lời tựa của tập I, bộ Tư bản trong lần xuất bản thứ nhất: "Nước phát triển hơn về công nghiệp chỉ nêu lên cho nước kém phát triển cái hình ảnh tương lai của bản thân nước này mà thôi".

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848)

Đây là tác phẩm viết chung của Marx và Engels, đây được xem là tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx. Lê-nin đã cho rằng "Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách".

Tiểu luận về chiến tranh (1870 - 1871)

"Tiểu luận về chiến tranh" là một trong những tác phẩm quân sự lớn của F. Engels, trong đó ông đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử để phân lích các sự kiện của cuộc chiến tranh Pháp- Phổ năm 1870-1871. Tác phẩm gồm một loạt 59 bài gắn liền với nhau viết dưới hình thức điểm tình hình chiến sự. Trong số này có 40 bài nhan đề "Tiểu luận về chiến tranh" kèm theo số thứ tự tương ứng, còn những bài kia thì lấy đầu đề khác nhau.[24]

Lý do trực tiếp để viết những bài về cuộc chiến tranh Pháp - Phổ là Ti-blin (Ta- ran). Một trong những phóng viên quân sự của tờ "Pall Mall Gazetle". Đã nghị với Marx gửi những bản tin quân sự cho tờ báo này. Marx chuyển đề nghị ấy cho Engels. Ba bài đầu Engels gửi cho Marx, xem xong Marx chuyển cho ban biên tập. Những bài sau Engels gửi thẳng cho ban biên tập tờ "Pall Mall Gazette" để đăng được nhanh hơn.

Những bài của Engels về cuộc chiến tranh Pháp - Phổ được viết cập nhật liên tục theo các sự kiện xảy ra. Engels nghiên cứu tỉ mỉ tất cả những tài liệu mà ông có được về tình hình chiến sự: những bản tin của các tờ báo Anh, Đức, Pháp, những bức điên mới nhất từ Pháp và Đức gửi đi. Mặc dầu những bản tin đó không đầy đủ và mâu thuẫn nhau, nhưng với tất cả những thiếu sót trong một số chi tiết không sao tránh khỏi trong điều kiện ấy, Engels đã dựng lại được tiến trình thực sự của chiến cuộc trong những bài báo của mình.

Khi bắt tay vào viết "tiểu luận về chiến tranh". Engels dự định viết một tuần 2 bài; sau khi đăng 3 bài đầu gây được sự quan tâm sâu sắc của độc giả và thu hut sự chú ý của toàn bộ báo chí, biên tập viên của tờ "Pall Mall Gazette" là Greenwood đề nghị Engels gửi bài cho báo với sổ lượng không hạn chế, vào thời kỳ chiến sự diễn ra sôi nổi nhất, Engels viết môi tuần 3 thậm chí 4 bài.

Greenwood đã nhiều lần sửa chữa bài viết của Engels mà không có sự đồng ý của tác giả. Như Engels đã nhận xét trong thư của mình trong bài "'Tiểu luận về chiến lranh.- lIl" người ta đã tùy tiện sửa đổi những thuật ngữ quân sự, hơn nữa những sửa đổi đó chứng tỏ Greenwood không hiểu hiết những thuậl ngữ quân sự ấy. Trong bài "Tiểu luận về chiến tranh.- XIII", người ta đã thêm vào đoạn cuối một số nội dung.[25]

Những bài "Tiểu luận về chiến tranh" được đãng trên tờ "Pall Mall Gazette" từ ngày 29 tháng 7 năm 1870 đến 18 tháng 2 năm 1871, trừ ba bài đầu ký tên "Z.", những bài khác đều đăng không ký lên, hơn nữa chỉ có một số ít người biết tác giả của những bài ấy là Engels. Những bài viết của Engels về cuộc chiến tranh Pháp - Phổ dã thành công lớn. Hàng loạt tờ báo đã lặp lại nội dung của những bài ấy trong các bài điểm tình hình. Bạn bè của Engels đặt cho ông biệt hiệu "Tướng quân".

Khi Engels còn sống. Những bài viết của ông về cuộc chiến tranh Pháp - Phổ đã không được tái bản. Những bài báo cắt từ tờ "Pall Mall Gazette" có mang chữ ký của chính tay Engels ở góc phải hoặc trái mỗi bài do V.Át-le, một trong những nhà lãnh đạo Đảng dân chủ xã hội Áo, gửi trong nhiều năm đã không được đông đảo độc giả biết đến. Chỉ mấy năm sau khi Át-le chết, vào năm 1923, những bài viết của Engels mới được xuất bản thành tập sách riêng bằng tiếng Anh in li-tô dưới nhan đề chung "Tiểu luận về chiến tranh". "Tiểu luận về chiến tranh" được xuất bản lần đầu bằng tiếng Nga vào năm 1924.

Chống Duhring (1878)

Tên nguyên bản của tác phẩm này là "Ông Duhring đảo lộn khoa học"[26] là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của chủ nghĩa Marx. Tác phẩm này gồm có ba phần: phần thứ nhất có tựa đề: Triết học, phần thứ hai có tựa đề là kinh tế chính trị học và phần thứ ba là xã hội chủ nghĩa.[27]

Trong tác phẩm này, lần đầu tiên Engels trình bày một cách hoàn chỉnh thế giới quan Marxist: chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, khoa kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Ông chỉ ra mối liên hệ không thể tách rời và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Marx.

Ông cũng chỉ rõ chúng gắn bó với nhau và tác động lẫn nhau như thế nào và chúng tạo nên toàn bộ một hệ thống lý luận mà các bộ phận cấu thành riêng rẽ thì tương đối độc lập nhưng đồng thời lại chỉ có thể hiểu được một cách đúng đắn trong mối liên hệ bên trong giữa chúng với tổng thể. Đồng thời Engels cũng tiếp tục phát triển triết học Marxist trong những vấn đề cơ bản, ở đây ông đã sử dụng những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên cũng như những kinh nghiệm của cuộc đấu tranh giai cấp.

Với tác phẩm của mình, Engels trực tiếp tham gia vào các cuộc tranh luận trong phong trào công nhân Đức xung quanh các vấn đề cơ bản về thế giới quan và chính trị. Với việc đó, ông ủng hộ cuộc đấu tranh chống hệ tư tưởng tư sản và tiểu tư sản mà đại biểu trước hết là Eugen Duhring. Tác phẩm "Chống Duhring" góp phần quyết định vào thắng lợi của chủ nghĩa Marx trong phong trào công nhân.

Engels viết tác phẩm này từ mùa thu năm 1876 đến giữa năm 1878. Chương X của phần thứ hai là do Marx biên soạn. Tác phẩm này được đăng lần đầu tiên dưới hình thức một loạt bài trên tờ "Vorwarts" từ ngày 3 tháng 1 năm 1877 đến tháng 7 năm 1878. Tháng bảy 1877, phần thứ nhất của tác phẩm được xuất bản ở Leizig thành một tập riêng, tiếp theo đó vào tháng bảy 1878 là phần thứ hai và phần thứ ba, cũng được in dưới hình thức một tập riêng. Đồng thời, tháng bảy 1878 ở Leipzig cũng ra đời bản in đầu tiên toàn bộ tác phẩm với lời nói đầu của Engels. Lần xuất bản cuối cùng (thứ ba) được Engels xem lại và bổ sung, đã ra đời vào năm 1894.

Trong "Chống Duhring", Engels đấu tranh chống những tác phẩm sau đây của Duhring: "Giáo trình triết học với tư cách là một thế giới quan khoa học chặt chẽ và sự hình thành cuộc sống", Leipzig 1875, "Giáo trình kinh tế chính trị và kinh tế xã hội gồm các điểm chủ yếu của chính sách tài chính", lần xuất bản thứ hai có biên soạn lại một phần, Leipzig 1876, "Lịch sử phê phán của khoa kinh tế chính trị và của chủ nghĩa xã hội", lần xuất bản thứ hai có biên soạn lại một phần, Berling,1875.[26]

Biện chứng của tự nhiên (1873 - 1882)

Đây là tác phẩm chưa hoàn thành của Engels, lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Nga và tiếng Đức tại Liên Xô năm 1925. Tác phẩm này bao gồm những bài bút ký viết từ 1873 đến 1886, chủ yếu là từ 1873 đến 1882.[28]

Tư tưởng trung tâm của tác phẩm là tư tưởng về các hình thái vận động của vật chất. Chính dựa trên tư tưởng này, Engels dự định xây dựng một tác phẩm – về con đường phát triển biện chứng khách quan của tự nhiên tiến đến sự phát triển kinh tế của xã hội loài người – tiếp nối bộ "Tư bản" của K. Marx để cùng với "Tư bản" tạo nên một công trình hoàn chỉnh về học thuyết Marxist, chứ không có ý định viết một cuốn sách phổ thông về phép biện chứng và cũng không chỉ dừng lại ở sự khái quát lịch sử phát triển của khoa học tự nhiên.

Xuất phát từ các hình thái vận động của vật chất, Engels xác định đối tượng của các khoa học, lấy sự phụ thuộc lẫn nhau của các khoa học làm nguyên tắc chung để phân loại chúng. Theo Engels, vật chất vận động từ thấp lên cao, từ vận động cơ học đến vận động hoá học, sinh học và cao hơn cả là sự vận động của xã hội loài người. Tương ứng với các hình thức vận động đó của vật chất – trong quá trình lịch sử – là các khoa học: cơ học, vật lý học, hoá học, sinh học, khoa học xã hội. Nhận thức phải đi từ các hình thái vận động thấp đến các hình thái vận động cao hơn. Sự chuyển hoá từ một hình thái vận động này sang một hình thái vận động khác cao hơn bao giờ cũng là một bước nhảy vọt, một quá trình biện chứng. Vì vậy các khoa học nghiên cứu về chúng cũng phải phản ánh được phép biện chứng đó.

Engels chỉ rõ rằng quan điểm máy móc, siêu hình về giới tự nhiên đang sụp đổ do sự phát triển của khoa học tự nhiên và buộc phải nhường chỗ cho quan điểm biện chứng. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với các nhà khoa học tự nhiên là cần chuyển từ tư duy siêu hình sang tư duy biện chứng, phải tự giác nắm lấy phép biện chứng. Engels còn đề cập đến hàng loạt các vấn đề triết học khác như các quy luật cơ bản và các phạm trù của phép biện chứng được rút ra từ trong tự nhiên, vấn đề lý thuyết tiến hoá C. Darwin, vấn đề vai trò của lao động trong sự hình thành con người.

Do sự phát triển của khoa học hơn một trăm năm qua, dĩ nhiên, không ít những vấn đề chuyên sâu được Engels đề cập trong Biện chứng của tự nhiên cần được bổ sung, phát triển. Mặc dù vậy, nhiều tư tưởng của Engels vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa phương pháp luận rất lớn trong việc tiếp cận với sự phát triển mới trên mọi lĩnh vực triết học, khoa học và đời sống xã hội của thời đại ngày nay.

Nguồn gốc của Gia đình, Sở hữu tư nhân, và Nhà nước (1884)

Tên đầu đủ của tác phẩm là "Nguồn gốc của Gia đình, Sở hữu tư nhân, và Nhà nước. Nhân có những công trình nghiên cứu của Lewis H. Morgan". Tác phẩm gồm có tất cả chín chương, được viết vào năm 1884.[29] Đây là một tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa Marx.

Dựa trên các kết quả và phát hiện của Lewis H. Morgan, Friedrich Engels đã phân tích lịch sử nhân loại trong những giai đoạn sớm nhất của nó, luận chứng quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy và quá trình hình thành của xã hội có giai cấp, dựa trên chế độ tư hữu. Ông cũng vạch rõ những đặc trưng của xã hội đó, giải thích sự phát triển của các quan hệ gia đình trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau, chỉ ra nguồn gốc và bản chất của Nhà nước, chứng minh sự tất yếu diệt vong của Nhà nước và xã hội có giai cấp nói chung.

Engels bắt đầu viết cuốn này từ cuối tháng 3 năm 1884, và tới hết tháng 5 năm đó thì hoàn tất. Khi đọc các bản thảo viết tay của Marx, Engels đã tìm thấy một bản tóm tắt cuốn "Xã hội Cổ đại" của L.H. Morgan, nhà khoa học tiến bộ người Mỹ, được Marx ghi trong các năm 1880-1881, có nhiều nhận xét phê phán và luận điểm của chính Marx.

Sau khi đọc bản tóm tắt, Engels nhận thấy cuốn sách của Morgan đã xác minh quan điểm duy vật lịch sử và các quan điểm về xã hội nguyên thủy của Marx và mình đề xuất, và thấy cần viết một tác phẩm riêng, sử dụng các tài liệu và kết luận của Morgan và Marx. Khi viết cuốn này, Engels đã đưa vào nhiều tài liệu bổ sung, lấy từ các nghiên cứu của bản thân mình về lịch sử Hy Lạp - La Mã, lịch sử Ireland thời cổ, lịch sử người Germania thời cổ, v.v.

Năm 1890, với việc những tài liệu về lịch sử xã hội nguyên thủy đã phong phú hơn, Engels bắt đầu chuẩn bị cho bản in mới, cũng là bản in thứ tư của cuốn này. Người đã nghiên cứu các sách báo mới nhất, đặc biệt là các tác phẩm của M.M. Kovalevsky, nhà khoa học người Nga và đã thêm vào nhiều điểm sửa chữa, bổ sung. Bản in này được xuất bản năm 1891, và sau đó không còn sửa đổi gì nữa.

Đây là một kiệt tác về lịch sử của Engels mà nhiều nhà nghiên cứu đã cố tình bỏ qua hay bóp méo nó.

Trong tác phẩm này, ông trình bày cặn kẽ sự phát sinh các nhà nước ở Hy Lạp, La mã, CeltGerman. Đồng thời ông cũng vạch trần sự lẫn lộn của nhiều nhà sử học hiện nay khi lẫn lộn thời đại dã man với thời kỳ hình thành các quốc gia cổ đại. Do đó, biến các thủ lĩnh quân sự của bộ lạc thành vua, lẫn các Pharaoh, vua Thương, Hùng Vương thành người cai trị tối cao. Do đó, cũng lẫn lộn rằng các thể chế thời Thương, vương quốc của các Pharaoh, Văn Lang...là các nhà nước(thực ra đây chỉ là các tổ chức thị tộc phát triển ở mức độ cao).[cần dẫn nguồn]